GIÁO DỤC CẦN ĐÁP ỨNG NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA CUỘC SỐNG

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, những đòi hỏi của nhân dân, công luận đối với ngành giáo dục là so với yêu cầu của thực tế cuộc sống chứ không phải là so với ngày hôm qua, so với kế hoạch.
13/07/2012
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp đánh giá kết quả thi đua năm học 2011 – 2012 của 5 TP trực thuộc Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng ngày 26/6.Dựa trên các tiêu chí, trong năm học 2011 – 2012, 5 TP Trung ương gồm Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc 15/15 lĩnh vực công tác.
Trong đó, các TP tiếp tục phát triển giáo dục mầm non, thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đúng tiến độ đã đề ra. Chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ được nâng cao với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo. Trẻ 6 tuổi ra lớp ở các thành phố chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đạt 100%; Hà Nội đạt 99,98%.
Nhìn chung, chất lượng giáo dục trung học các thành phố  tiếp tục được giữ vững và nâng cao, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2012 của các thành phố tiếp tục có chuyển biến tốt.
Đồng thời, ngành giáo dục 5 TP luôn đổi mới các hình thức tổ chức giáo dục trong hệ thống giáo dục thường xuyên theo hướng linh hoạt, đa dạng, đáp ứng nhu cầu người học ở nhiều lĩnh vực. Trong năm học đã có trên 1,3 triệu lượt người lao động được học tập, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Mạng lưới trường, lớp và quy mô học sinh các cấp học, bậc học tiếp tục được củng cố  và phát triển, mở rộng phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cụ thể, Hà Nội tăng thêm 50 trường, Hải Phòng: 26 trường; Cần Thơ: 15 trường; TP Hồ Chí Minh: 4 trường.
Năm 2011, kinh phí đầu tư cho các dự án xây dựng, sửa chữa, cải tạo và các chương trình mục tiêu của Hà Nội là1.730 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh: 1.634 tỷ đồng; Đà Nẵng: 206 tỷ đồng; Hải Phòng: 240 tỷ đồng và Cần Thơ: 168 tỷ đồng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học được nhiều giáo viên quan tâm. Hà Nội và Đà Nẵng tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin; triển khai cuộc thi soạn bài giảng E-learning cấp thành phố; trong đó Hà Nội đã xây dựng được 14.526 bài dự thi để gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt; Đà Nẵng có 140 sản phẩm đạt giải cuộc thi cấp thành phố; Hải Phòng có 1.000 bài giảng đang được thẩm định. TP Hồ Chí Minh có 1 giải Nhất cuộc thi “Đổi mới giáo dục thông qua tích hợp công nghệ thông tin vào dạy học” do UNESCO tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền 5 TP đối với những chủ trương của ngành giáo dục, đạt được nhiều thành tựu, có sự cân đối giữa tăng trưởng về số lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục, có nhiều điển hình, nhiều bài học có thể nhân rộng trong toàn ngành.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như các phong trào đã có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu, chưa bền vững nên hiệu quả thấp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp nhiều nhưng có nặng về phong trào, có cảm giác làm cho đủ nên chưa phát huy được hiệu quả.
“Những đòi hỏi của nhân dân, công luận đối với ngành giáo dục là so với yêu cầu của thực tế cuộc sống chứ không phải là so với ngày hôm qua, so với kế hoạch. Nếu ý thức được đều này thì mới có thể có những giải pháp thực chất hơn để tạo được sự đột phá”, Bộ trưởng nói.


Theo Chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét